Nỗi băn khoăn của người sử dụng được giới chuyên môn tư vấn, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn. Càng ngày, thị trường càng xuất hiện nhiều những dòng máy ảnh kỹ thuật số cao cấp, có độ phân giải, dung lượng ảnh chụp lớn. Các loại máy từ năm đến bảy chấm đã trở nên phổ biến.
Từ đây, cũng đặt ra câu hỏi cho nhiều người tiêu dùng bình thường, những người có nhu cầu sử dụng máy ảnh trong gia đình, chỉ để chụp những ảnh lưu niệm, ảnh cho mục đích du lịch... là nên mua máy ảnh mấy chấm thì vừa. Những chiếc máy ảnh đã sắm có còn sử dụng tốt hay đã lạc hậu.
Lời khuyên: Nên chọn từ 5 chấm trở xuống
Có vẻ như lời khuyên từ các nhà chuyên môn cũng có khác nhau chút đỉnh. Ông Lê Quang Hải, phụ trách kỹ thuật hãng Panasonic tại Việt Nam cho rằng, với nhu cầu sử dụng cho mục đích gia đình, chỉ thường xuyên chụp và mang đi tráng rọi với khổ ảnh thông thường như trước nay vẫn dùng với máy phim thì chỉ cần chọn các loại máy có độ phân giải dưới 5 chấm là đủ xài. Ông Đoàn Anh Huy, chủ tiệm ảnh Huy Cận đường Trần Hưng Đạo thì khuyên, khoảng 4 chấm là được.
Nhìn chung, lập luận của những người đưa ra lời khuyên trên là dựa vào thực tế của kỹ thuật in, rọi ảnh của các lab kỹ thuật số hiện nay cũng như chất lượng của tấm ảnh sau khi in ra.
Ông Võ Thanh Hải, phụ trách phòng lab của hiệu ảnh kỹ thuật số Kim Long ở 88 đường Hai Bà Trưng, cho biết: Hiện tại các mini lab kỹ thuật số sử dụng máy rọi của nhiều hãng khác nhau như Konica, Fuji, Noritsu... nhưng ở những máy này có một điểm chung là đối với mỗi khổ ảnh, chúng chỉ chấp nhận một độ phân giải nhất định. Do vậy, khi đưa một file ảnh kỹ thuật số vào để in, rọi, bên cạnh việc đôi khi phải chỉnh sửa đôi chút về màu sắc, độ sáng để ảnh in ra được đẹp hơn thì hoặc kỹ thuật viên phải chỉnh lại độ phân giải cho phù hợp với khổ ảnh muốn rọi hoặc một số máy có chế độ tự chỉnh theo khổ ảnh. Theo ông Hải, dù ảnh chụp với độ phân giải bảy đến tám megapixels (chấm) thì khi rửa ảnh với khổ 10x15 cm, máy hoặc kỹ thuật viên cũng hạ độ phân giải của file ảnh xuống còn chừng 2 megapixels là đủ có một bức ảnh đạt về độ mịn.
Cũng có một số lab, theo ông Lê Quang Hải, xử lý rọi ảnh số theo kỹ thuật analog, tương tự như khi rọi ảnh từ phim, thì có thể sẽ không cần chỉnh sửa độ phân giải, dung lượng của file ảnh khi rọi. Với các loại máy này thì ảnh chụp với dung lượng càng lớn, nghĩa là càng nhiều chấm thì khi rọi ra càng mịn.
Một số lab nhỏ còn sử dụng máy in ảnh để in ra ảnh số, với các máy in này thì việc chỉnh lại độ phân giải là bắt buộc, bởi vì như vậy mới có thể in nhanh, không hao nhiều mực... nhưng chất lượng ảnh in từ máy in không bằng máy rửa ảnh kỹ thuật số chuyên nghiệp.
Nhiều chấm thì sao?
Dĩ nhiên, không ai khuyên người tiêu dùng không nên chọn các loại máy nhiều chấm. Bởi vì theo ông Võ Thanh Hải, ở các máy này, tuỳ trường hợp, khi sử dụng người ta có thể để ở chế độ ít chấm hơn. Và như vậy, người sử dụng sẽ chủ động hơn.
Khi sử dụng máy ảnh có độ phân giải cao, lời khuyên của những người có kinh nghiệm là cần quan tâm đến những thiết bị liên quan để chọn chế độ chụp cho phù hợp. Với chế độ chụp thường xuyên là 5 megapixels, trung bình một tấm ảnh sẽ có dung lượng vào khoảng trên dưới 2 MB. Và như vậy, người sử dụng cần chú ý đến khả năng sắm các loại thẻ nhớ có dung lượng lớn. Chú ý đến dung lượng của máy tính mình đang có để lưu trữ ảnh hoặc phải có ổ ghi để chép ảnh ra đĩa CD.
Nếu mua máy ảnh kỹ thuật số cho mục đích chụp xong mang đến lab để rọi ra những tấm ảnh khổ bình thường thì với thực tế hiện tại chỉ cần chọn máy từ ba đến năm chấm là vừa.
|