Thủ Tướng Chính Phủ đã quyết định chính thức cho phép triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất (THSMĐ- Digital Video Broadcasting Terrestrial, DVB-T) trên diện rộng từ 01/04/2005. Cơ hội này mở ra cho người dân trên khắp mọi miền đất nước được thưởng thức sản phẩm truyền hình chất lượng cao.

Tuy nhiên ngoài thiết bị thu hình (TV), người dùng phải trang bị thêm đầu thu số mặt đất (ĐTSMĐ – set-top box). Chọn loại set-top box nào để thu tốt tất cả kênh truyền hình số của các Đài có phát THSMĐ là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.

Đôi nét về DTH và DVB-T

Ở nước ta hiện có các dịch vụ truyền hình số như: Truyền hình số vệ tinh-DTH (Direct-To-Home) của VTV và truyền hình số mặt đất-DVB-T của Đài Truyền Hình TP. HCM (HTV), Đài Truyền Hình Bình Dương (BTV), Công ty Đầu Tư và Phát Triển Công Nghệ Truyền Hình (VTC)... cung cấp.

DTH được phát sóng trực tiếp qua vệ tinh, không cần xây dựng các trạm phát trung chuyển như đối với THSMĐ, có thể phủ sóng trên diện rộng, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.

DTH của VTV phát sóng 16 chương trình. Ngoài năm chương trình của VTV (từ VTV1 đến VTV5) phát sóng miễn phí, còn có hai chương trình của Trung Tâm Truyền Hình Cáp VCTV và chín chương trình nước ngoài, trong đó chương trình StarMovies và TVB được Việt hoá bằng phụ đề và thuyết minh tiếng Việt. Quy trình phát sóng của DTH: VTV biên tập, biên dịch hình ảnh sau khi thu và phát lên vệ tinh rồi vệ tinh lại chuyển sóng trở về mặt đất. Công nghệ DTH được đánh giá là có cường độ truyền tương đối ổn định, sóng đều ở các khu vực nên hình ảnh trung thực, rõ nét. DTH được sử dụng ở băng tần KU (từ 54-56 dBW) của vệ tinh Measat-2, kích thước anten thu chỉ cần 0,6m nên phù hợp với mọi điều kiện thu tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, nhược điểm của DTH là phụ thuộc vào thời tiết và địa hình. Những lúc trời mưa bão, độ ẩm cao... có thể ti vi sẽ không bắt được hình ảnh từ vệ tinh.

Để xem được các chương trình truyền hình DTH của VTV, cần phải mua một bộ giải mã (giá bán khoảng trên 2 triệu đồng) bao gồm anten chảo, bộ khuếch đại, bộ chuyển đổi tín hiệu. Thiết bị này được VTV nhập từ Hàn Quốc. Ngoài ra, mỗi tháng sẽ phải trả 65.000 đồng tiền thuê bao dịch vụ cho VTV.

DVB-T với phương thức truyền dẫn phát sóng số bằng máy phát mặt đất, hiện đang tồn tại ba tiêu chuẩn: ATSC (của Mỹ), DVB-T (của châu Âu) và ISDB-T (của Nhật). Gần 40 quốc gia ở châu Âu đã chọn tiêu chuẩn DVB-T. Hiện, theo tin từ tổ chức DVB quốc tế, khối ASEAN đã khảo sát để sản xuất loại set-top box theo tiêu chuẩn DVB-T sử dụng cho 10 nước ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tiêu chuẩn DVB được nước Anh tiên phong triển khai từ năm 1998, sau đó là các nước châu Âu, Nam Phi, Úc, Singapore. Đến nay, hầu như toàn bộ châu Âu, châu Đại Dương, châu Phi và nhiều nước châu Á đã tuyên bố sử dụng tiêu chuẩn này. Trong đó, nhiều nước và nay đến Việt Nam đã triển khai truyền hình số này trên diện rộng.

Chọn ĐTSMĐ nào hiệu quả?

Để xem được truyền hình số (qua cáp, qua vệ tinh, phát sóng trên mặt đất) cần có ĐTS (còn gọi là bộ thu và giải mã truyền hình số, set-top box) và máy thu hình nối với nhau. Cần chú ý set-top box thu qua cáp, qua vệ tinh và trên mặt đất có khác nhau. Để thu sóng truyền hình số phát qua mặt đất phải có set-top box theo tiêu chuẩn DVB-T và anten thu thông dụng; để thu qua vệ tinh cần có set-top box theo tiêu chuẩn DVB-S cùng với chảo anten parabol 0,4-0,8m và khối dịch tần (LNB); để thu qua cáp cần set-top box theo tiêu chuẩn DVB-C. Bài viết này chỉ nói đến loại ĐTSMĐ (DVB-T).

Theo KS Võ Hùng Phong – PGĐ Kỹ Thuật của BTV - Đơn vị đang phát hình KTSMĐ cho biết thị trường hiện có rất nhiều loại ĐTSMĐ với giá cả và chất lượng khác nhau, phổ biến là các Model DT-T9, DT-T10, DT-DT10A, DT11 và nay là DT12 của Công Ty Đầu Tư và Phát Triển Công Nghệ Truyền Hình (VTC), Humax (Hàn Quốc), One-up (Đài Loan) do công ty Thuận Thảo lắp ráp, phân phối, và một số loại có xuất xứ từ Trung quốc... Tuỳ theo cấu tạo mà các đầu này bắt được một số chương trình hay bắt được tất cả các chương trình của các đài truyền hình hiện đang phát KTSMĐ. Về cơ bản, các đầu thu này có một số chức năng thông dụng như: định dạng video PAL/NTSC, giải nén, tắt tiếng (mute), hiển thị thông tin chương trình, đặt các chương trình yêu thích và khóa mã các chương trình. Yếu tố quyết định khả năng bắt được nhiều chương trình là do phần mềm giải mã. Theo Ông Phong, do HTV và BTV không mã hóa các kênh khi phát nên các tất cả các đầu thu có chuẩn DVB-T đều có thể bắt được, còn đối với sóng phát của VTC thì phần lớn các kênh được mã hóa nên nhiều khi tín hiệu từ anten đưa xuống đầu thu có chương trình đó nhưng do phần mềm không hiểu được tín hiệu nên không giải được (không thu được). Một số loại đầu thu của Trung Quốc không thể giải được một số chương trình của VTC đang phát. Hiện nay, đầu thu DT-T12 của VTC có khả năng thu được các chương trình của các đài truyền hình đang phát truyền hình số như VTC, Bình Dương và TP.HCM. Mua bộ giải mã này vừa được bảo hành, vừa có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, nên rất tiện dụng.

Do đặc điểm của truyền hình số phát bằng sóng vô tuyến cao tần, đòi hỏi giữa anten phát và anten thu phải nhìn thấy nhau nên phải đặt anten hướng về đài phát và trên hướng đó phải không bị vật cản. Vì thế người ở nhà cao tầng sẽ được lợi hơn khi bắt truyền hình số. Nhược điểm của truyền hình số mặt đất (DVB-T) là phụ thuộc nhiều vào địa hình do tháp anten thấp, vùng phát sóng bị nhà cao tầng che khuất.

Giải pháp cho thời kỳ quá độ

Ở một số nước đã có loại máy thu hình số (tivi) bao gồm hai khối dính liền trên chung một máy, gọi là IDTV - Integrated Digital TV. Đối với nước ta Set-top box là giải pháp cho thời kỳ quá độ, chuyển giao công nghệ có giá thành hợp lý trong điều kiện hiện nay. Việc Chính Phủ cho phép triển khai THS trên diện rộng và giao cho Bộ Văn Hóa Thông Tin chủ trì, phối hợp với Ban Tư Tưởng Văn Hóa TW, Bộ BCVT và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hỗ trợ phát triển truyền hình số mặt đất, đã tạo điều kiện cho các Đài phát triển theo hướng phát truyền hình số. Sự phát triển này theo Chính Phủ cần tuân theo một lộ trình thích hợp, đảm bảo hiệu quả, tính hợp lý và tính hệ thống của các giải pháp kỹ thuật truyền hình trong cả nước; phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước trước mắt và lâu dài. Chính Phủ cũng đồng ý về mặt nguyên tắc việc tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng dịch vụ đa phương tiện trên truyền hình số mặt đất.

Như vậy công nghệ truyền hình sẽ dần chia tay với Analog- tín hiệu tương tự truyền thống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ chia tay với thiết bị thu hình hiện nay. Liệu các nhà sản xuất tivi nổi tiếng đang có mặt tại Việt Nam như Sony, JVC, Samsung, LG... cùng với các nhà sản xuất tivi trong nước có cho ra đời một thiết bị thu hình “ hai trong một” để đỡ rắc rối như hiện nay là vấn đề mà người tiêu dùng đang chờ mong.

Thanh Nam.